Những năm qua, bà con dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Măng tây du nhập vào Việt Nam từ lâu nhưng đến năm 2005 mới
được nghiên cứu trồng thử nghiệm tại vùng đất Ninh Thuận. Hiện nay, chồi măng
tây tươi sau khi thu hoạch ở Ninh Thuận có năng suất khá cao, hàm lượng dưỡng
chất cao nhất trong tất cả các vùng trồng măng tây trong cả nước.
Măng tây có tên khoa học là Asparagus, được xếp vào danh
sách những loại rau có giá trị dinh dưỡng cao. Thời vụ trồng măng tây thường có
2 vụ trong năm là thu đông từ cuối tháng 8 - tháng 3 và vụ xuân hè từ cuối
tháng 2 - 6 dương lịch.
Với điểm đặc biệt là sau một đêm, măng có thể dài đến 15 -
20cm, chúng phát triển tốt vào ban đêm nên người dân thường thu hoạch từ 5h để
măng tươi, giòn. Măng sau khi thu hoạch xong được chuyển đến điểm sơ chế. Thời
gian bảo quản măng khoảng 5-7 ngày trong điều kiện thường, lâu hơn trong điều
kiện lạnh.
Măng
tây có giá trị dinh dưỡng khá cao, trở thành loại rau hảo hạng với đa dạng
thành phần dinh dưỡng có thể kể đến như: giàu protein, chất xơ, kali, magie,
canxi, sắt, kẽm, vitamin K, C, A, B6, B2, B1, Tryptophan, Folate…
Măng tây là vị thuốc
tốt cho tim mạch, đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch… Các thành phần của măng
tây xanh như thân, rễ được còn được dùng trong dược liệu, thuốc giải nhiệt cho
cơ thể, có tác dụng hỗ trợ bệnh về tiêu hóa, tiểu đường, thận…
Ngoài ra, măng tây có
thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như làm nộm, xào, salad… Măng non
thường được dùng làm thực phẩm, thân và rễ dùng dược liệu, mỹ phẩm.
Măng tây hiện nay có 3
loại giống là măng tây xanh, măng tây trắng và măng tây tím. Tất cả những loại
này đều có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ưa chuộng nhất là măng tây xanh. Tại
Ninh Thuận, giống măng được trồng phổ biến là măng tây xanh. Khí hậu, thổ
nhưỡng tỉnh Ninh Thuận thích nghi để cây măng tây xanh sinh trường tốt, cho
năng suất và chất lượng cao.
Măng tây sinh sống và phát triển tốt phù hợp với khí hậu của
mảnh đất Ninh Thuận, nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống. Nhờ hiệu quả kinh tế
của cây măng tây mang lại mà đời sống của người nông dân ở Ninh Thuận không ngừng
được nâng cao. Hiện tại, đây là loại cây được tỉnh ưu tiên khuyến khích mở rộng
diện tích trồng.
Từ 2ha trồng thí điểm ban đầu, đến nay, Ninh Thuận đã có nhiều
vùng trồng măng tây có năng suất cao có thể kể đến như: huyện Ninh Phước, Ninh
Hải, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Hiện có xã An Hải (huyện
Ninh Phước) và phường Văn Hải (thành phố Phan Rang) có diện tích trồng măng tây
lớn nhất, mỗi vụ thu hoạch, 1 ha cho năng suất ước tính 82 tạ măng tây xanh cho
thị trường.
Xã An Hải xác định măng tây là cây trồng chủ lực và tập
trung xây dựng vùng chuyên canh cây măng tây có định hướng bài bản, áp dụng
khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó là tạo cơ chế,
chính sách về vốn vay để người dân tiếp cận dễ dàng.
Từ khi trồng cây măng tây, đời sống của đồng bào dân tộc
Chăm ở xã An Hải, tỉnh Ninh Thuận khá lên rõ rệt, diện mạo nông thôn đổi thay từng
ngày. Năm 2010, xã An Hải bắt đầu trồng thử nghiệm 1 ha cây măng tây. Đến nay,
xã đã phát triển diện tích trồng cây măng tây hơn 110 ha. Tại làng Tuấn Tú (xã
An Hải), Thành Tín (xã Phước Hải) hiện có trên 120 ha diện tích trồng măng tây
xanh cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Hiện xã An Hải chủ
yếu trồng cây măng tây giống từ Hà Lan bởi đây là giống cho năng suất cao và chất
lượng tốt, cây trồng một lần nhiều năm sau mới phải trồng lại. Các hộ dân trồng
măng tây cho biết, cây măng tây đang được thị trường ưa chuộng, giá bán cao,
công chăm sóc ít, thu hoạch gần như quanh năm. Cứ 1 ha cây măng tây cho thu hoạch
từ 5-7kg/ngày, bán ra thị trường giá trung bình khoảng 50.000/kg. Như vậy,
trung bình mỗi ha măng tây trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí,
người nông dân có lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.
Thôn Tuấn
Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là thôn thuần đồng bào dân tộc
Chăm, đồng thời cũng là nơi cư trú tập trung của 90% người Chăm của xã. Cây
măng tây xanh đã được trồng trên đồng đất cát ven biển Tuấn Tú - xã An Hải -
huyện Ninh Phước từ cuối năm 2009 tới nay.
Huyện
đã hỗ trợ hạt giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây măng tây xanh cho
ba nông hộ đầu tiên. Mỗi hộ được hỗ trợ trồng thí điểm 1.000 m2. Bà con khai
thác mạch nước ngầm bơm tưới, sau 8 tháng chăm sóc chu đáo, cây măng tây xanh
cho thu hoạch 10 kg/ngày, thương lái thu mua tại vườn 60.000- 70.000 đồng/kg.
Nhờ hiệu quả của cây măng tây xanh, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú có thu nhập bình
quân trên 52 triệu đồng/người/năm.
Có thể
nói, cây măng tây hiện là một trong những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế
cao nhất của tỉnh Ninh Thuận. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng
những vùng chuyên canh cây măng tây xanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước
và hướng tới xuất khẩu.
Mô hình
liên kết chuỗi măng tây xanh ở Ninh Thuận với vai trò chủ lực của HTX đã và
đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế
đang mở ra hướng đi ổn định cho nông dân vùng đồng bào Chăm trong phát triển
kinh tế bằng cam kết hỗ trợ tất cả từ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
HTX dịch
vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế, được thành lập vào tháng 8/2018, với 73 thành
viên, có trụ sở tại xã Thành Tín, huyện
Phước Hải, tỉnh Ninh Thuận do chị Châu Thị Xéo làm Giám đốc. Toàn bộ thành viên
HTX Châu Rế là người đồng bào dân tộc Chăm, đa số có thu nhập trung bình, 6 hộ
cận nghèo (10%) và 4 hộ nghèo (7%).
HTX
liên kết với trang trại hữu cơ ở địa phương để trồng măng tây; giống do trang
trại cung cấp (tiền giống 30% do địa phương hỗ trợ, 40% trang trại và HTX lo
30%) sau đó cung cấp cho các thành viên; HTX đứng ra hướng dẫn kỹ thuật, kiểm
tra, giám sát và thu mua toàn bộ cho các hộ thành viên.
Gia
đình Giám đốc HTX trồng thí điểm 5 sào măng tây, sau 5 tháng đã cho thu hoạch
20kg măng tây/mỗi ngày, với giá 50.000đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả việc trồng
măng tây, sau đó 32 hộ thành viên của HTX đã làm theo.
Hiện
HTX đang liên kết với hơn 80 hộ dân trồng măng tây xanh theo mô hình cánh đồng
lớn với diện tích hơn 20 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi ngày, HTX
thu mua khoảng 300 - 400kg măng tây của các thành viên. Sản lượng măng tây thu
hoạch không đủ cung cấp cho thị trường.
HTX
Châu Rế nhận thu mua toàn bộ sản lượng măng tây xanh mỗi ngày của thành viên ở
làng Chăm thôn Thành Tín (xã Phước Hải) và các làng Chăm lân cận với giá bao
tiêu sản phẩm ổn định. Tổng sản lượng măng tây xanh mà HTX Châu Rế xuất bán mỗi
này từ 300 – 400kg/ngày đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng măng
tây, tạo công việc hàng ngày cho 60 lao động địa phương.
HTX Dịch
vụ tổng hợp Tuấn Tú (Thôn Tuấn Tú, xã An Hải) là đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu
vủng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận. Các sản phẩm chế biến từ cây măng tây xanh
của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu
tiêu thụ của thị trường rau an toàn.
HTX
thành lập đi vào hoạt động từ tháng 6/2016, từ khi đi vào hoạt động đến nay HTX
phát triển mở rộng diện tích canh tác từ 5 ha của 25 hộ thành viên buổi đầu
thành lập đến nay đã nâng lên 36,6 ha măng tây xanh của 85 hộ thành viên đồng
bào Chăm.
HTX Tuấn
Tú đã trực tiếp đứng ra thu mua sản phẩm, tổ chức sơ chế rồi giao hàng cho
Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến tiêu thụ trên thị trường, sau đó thanh
toán tiền bán măng theo hợp đồng cho thành viên.
Với cơ
chế này, mỗi ngày HTX thu mua cho thành viên gần 2 tạ măng. Mỗi năm, người Chăm
thôn Tuấn Tú trồng măng có doanh thu gần 4 tỷ đồng, cao hơn gấp hàng chục lần
so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
Tính
riêng trong năm 2022, các hộ thành viên đã thu hoạch cung cấp cho HTX trên 51 tấn
MTX, tăng 5 tấn so với năm 2021. Doanh thu cả năm đạt 3,107 tỷ đồng. Từ đầu năm
2023 đến nay, HTX thu mua của các hộ thành viên 81.000 kg sản phẩm, trị giá
trên 3 tỷ đồng.
Ngoài sản
phẩm măng tây tươi, HTX Tuấn Tú được ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 700 triệu đồng
xây dựng dây chuyền hiện đại chế biến sản phẩm trà măng tây VietGAP thương hiệu
Tuấn Tú cung cấp thị trường tiêu dùng. Sản phẩm trà măng tây xanh của HTX Tuấn
Tú qua kiểm tra chất lượng sinh hóa bảo đảm chất lượng theo TCVN.
Ngày
25/9/2023, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm thuộc chương tình mỗi xã một sản
phẩm của huyện Ninh Phước thống nhất xếp hạng sản phẩm trà măng tây xanh của
HTX đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện. Nhờ đầu tư công nghệ chế biến trà măng tây
xanh đóng gói 200 gram/gói, giá bán 70.000 đồng/gói, bước đầu tạo việc làm cho
12 lao động thành viên HTX có thu nhập tăng thêm trên 5 triệu đồng/tháng.
Thời
gian tới HTX đưa sản phẩm trà măng tây xanh lên sàn giao dịch điện tử của Sở
Công Thương Ninh Thuận. Đồng thời tiếp tục mở rộng thêm 20 ha đất trồng cây
măng tây của các hộ thành viên. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng phương
án đầu tư chế trà túi lọc và tiến tới chế biến bột măng tây xanh nhằm nâng cao
chuỗi giá trị sản phẩm.
(Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/magazine/mang-tay-muot-xanh-vung-cat-trang-ninh-thuan-113266.htm
)