Tại thôn Tân Sơn 1, xã
Thành Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, anh Lê Minh Vương là một
trong những nông dân trẻ (SN 1992) nổi tiếng làm nông nghiệp tuần hoàn từ con trùn
quế. Anh tốt nghiệp ngành Khoa học môi trường quyết định làm nông nghiệp
tuần hoàn với ước muốn vươn lên làm giàu trên quê hương nhờ con trùn quế. Hiện
nay anh đã có một trại nuôi trùn quế và đã sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ trồng
trọt và chăn nuôi từ con trùn quế, cung cấp cho bà con chăn nuôi trong và ngoài
tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh chia sẻ: Trùn quế
là một loài giun đất có khả năng phân hủy chất hữu cơ rất nhanh, giúp chuyển
hóa các loại phân và rác thải hữu cơ thành phân bón giàu dinh dưỡng. Trùn quế
được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp nhờ giá trị cao trong việc cải tạo đất
và làm thức ăn cho chăn nuôi.
Phân trùn quế là sản phẩm
của quá trình tiêu hóa chất thải hữu cơ của trùn quế, chứa nhiều dinh dưỡng cần
thiết cho cây trồng như đạm, lân, kali, và các vi lượng khác. Phân này có kết cấu
tơi xốp, giúp cải thiện độ thoáng khí và khả năng giữ ẩm của đất, đồng thời
kích thích vi sinh vật có lợi phát triển.
Sử dụng phân trùn quế
giúp cây phát triển mạnh mẽ, kháng sâu bệnh tốt hơn. Các chất kích thích tăng trưởng
tự nhiên có trong phân trùn quế giúp cải thiện hệ rễ, từ đó tăng khả năng hấp
thu chất dinh dưỡng.
Trùn quế chứa tới
60-70% protein và nhiều axit amin cần thiết, là nguồn thức ăn tuyệt vời cho các
loại vật nuôi như gà, cá, heo, và bò. Trùn quế giúp gia súc, gia cầm tăng trưởng
nhanh, nâng cao sức đề kháng, từ đó giảm tỷ lệ mắc bệnh và cần sử dụng kháng
sinh.
Việc nuôi trùn quế giúp
người nông dân tận dụng nguồn chất thải nông nghiệp và phân gia súc để nuôi
giun, sau đó dùng giun để làm thức ăn cho vật nuôi hoặc bán, tạo thêm thu nhập.
Điều này giúp giảm chi phí thức ăn và tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Trùn quế không chỉ là một
giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý chất thải hữu cơ, mà còn mang lại giá trị
kinh tế lớn trong cả trồng trọt và chăn nuôi. Việc ứng dụng trùn quế vào nông
nghiệp giúp người nông dân nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất và góp phần
bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp bền vững./.
Minh Phương