Ninh Thuận: Tạo việc làm cho lao động nữ vươn lên thoát nghèo

Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Công văn số 3608/KH-UBND về Kế hoạch thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030". Đây là bước đột phá quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội và tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ, giúp nhau giảm nghèo bền vững tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

Đề án đưa ra mục tiêu chính là nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và Hợp tác xã. Với tầm nhìn "Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ", Đề án đã đặt ra mục tiêu phát triển Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tập trung vào việc tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ có thể tham gia vào quản lý và điều hành các hợp tác xã.

Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý và lãnh đạo cho phụ nữ, giúp họ tự tin đảm nhận các vị trí quản lý trong hợp tác xã. Tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ thông qua hoạt động của các hợp tác xã, phát triển các ngành nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của phụ nữ sẽ giúp họ tham gia vào thị trường lao động một cách hiệu quả. Hỗ trợ việc bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã. Điều này sẽ góp phần nâng cao mức sống, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nữ nhằm giảm nghèo bền vững.

Theo ông Nguyễn Long Biên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhằm phát huy tinh thần hợp tác và khởi nghiệp Đề án khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh doanh, tạo ra không gian cho sáng tạo và khởi nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển quyền năng kinh tế và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Để đạt được các mục tiêu này, Đề án sẽ tập trung vào việc đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tài chính và thiết lập các chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào hợp tác xã. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào quản lý kinh tế và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Ông Biên cho biết thêm: Đề án thực hiện 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2023 đến năm 2025) tập trung vào việc củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ít nhất 08 hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành. Tạo việc làm ổn định cho 100% thành viên, lao động nữ trong hợp tác xã, tổ hợp tác. Đào tạo và bồi dưỡng năng lực quản trị, điều hành cho nữ quản lý của hợp tác xã, cũng như đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2030), tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động cho ít nhất 15 hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành. Tạo việc làm ổn định cho 100% thành viên, lao động nữ trong hợp tác xã, tổ hợp tác. Tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng năng lực quản trị, điều hành cho nữ quản lý của hợp tác xã, cũng như đào tạo cho thành viên và người lao động.

Ông Nguyễn Khắc Trí – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã giao cho các cơ quan chuyên môn như Chi cục, Trung tâm Khuyến nông thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để chuyển giao tiến bộ hoặc ở mức độ nào đó có thể cầm tay chỉ việc để người lao động, bà con ở vùng dân tộc thiểu số, khuyến khích bà con thay đổi tư duy, thay đổi quy trình sản xuất cho hiệu quả hơn.

Bà Châu Thị Xéo một trong những “nữ thủ lĩnh” người Chăm thành công trong mô hình Hợp tác xã chia sẻ: Do thời tiết nơi đây khắc nghiệt thiếu mưa thừa nắng, bà con trong làng đã trồng nhiều loại cây trồng nhưng không hợp thổ nhưỡng nên năng suất thấp. Vì thế đời sống người dân khó khăn, trong đó có gia đình tôi. Quyết không cam chịu, tôi bắt đầu "cắp sách" tìm hiểu về các giống cây trồng mới ở khắp các nông trại từ thành thị đến nông thôn để học tập kinh nghiệm. "Rồi tôi vô tình học được "bí kíp" về một loại cây măng tây xanh- được mệnh danh là "vua của các loài rau" ở làng Chăm Tuấn Tú lân cận. Mang măng tây xanh về trồng thử ở làng mình, bất ngờ với kết quả "làm chơi nhưng ăn thật", tôi đã tiếp tục khăn gói đi học các khóa về luật Hợp tác xã. Sau đó, tôi vận động người thân, bạn bè, làng xóm phát triển măng tây xanh và thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế (Hợp tác xã Châu Rế) do chính tôi làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc", chị Xéo nói.

Đến nay, ngày càng nhiều gia đình người Chăm chuyển đổi hoàn toàn diện tích các cây trồng khác để chuyển sang trồng măng tây xanh, trong đó có hàng chục hộ nộp đơn xin gia nhập Hợp tác xã Châu Rế nâng tổng số xã viên Hợp tác xã lên trên 70 xã viên với 100% xã viên là người Chăm, đồng thời nâng tổng diện tích cánh đồng lớn măng tây xanh lên trên 20ha trồng măng tây xanh.

Hiện nay, Hợp tác xã Châu Rế nhận thu mua toàn bộ sản lượng măng tây xanh mỗi ngày của xã viên ở làng Chăm Thành Tín và các làng Chăm lân cận với giá bao tiêu sản phẩm ổn định từ 40.000 – 43.000 đồng/kg, tổng sản lượng măng tây xanh mà Hợp tác xã Châu Rế xuất bán mỗi này từ 300 – 500kg/ngày đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng măng tây và duy trì hoạt động thường xuyên của 10 lao động người Chăm ở Hợp tác xã.

Ông Bá Điểm, lão nông Hợp tác xã Châu Rế, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận phấn khởi khi tham gia lớp học IPM sử dụng phương pháp học tập lý thuyết và thực hành ngay trên đồng ruộng. Đa số nông dân tham dự lớp học đều là người dân tộc Chăm tham gia. Thông qua lớp học, người nông dân hiểu về giai đoạn sinh trưởng của cây và nhận biết được thế nào là sâu, bệnh, là côn trùng có ích và có hại và cách phòng trừ bệnh.

Chỉ tay về những luống măng tây xanh mướt của gia đình đang độ thu hoạch, lão nông Bá Điểm, người Chăm làng Thành Tín cho biết, cách đây chừng 3 năm gia đình ông vẫn còn chạy ăn từng bữa với cây đậu xanh, đậu phộng nhưng từ khi chuyển sang trồng 4 sào (4.000 mét vuông) măng tây thì mỗi ngày gia đình ông đã có của ăn của để hơn trước. Với 4 sào (4.000 mét vuông) thì mỗi ngày tôi thu hoạch trên dưới 50kg măng tây xanh và với giá bán 40.000 đồng/kg thì mỗi ngày gia đình thu về 2 triệu đồng. Nhờ đó con cái được đến trường đầy đủ, có thêm điều kiện để vươn lên làm giàu.

Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" hứa hẹn mang lại những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, tạo bình đẳng giới trong môi trường kinh tế tập thể và hợp tác xã. Vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đỗ Vương – Báo Tài Nguyên và Môi trường.


Tin mới