Để giảm nghèo thực sự bền vững
Ngày 19-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, việc xét hộ nghèo không chỉ dựa trên mức thu nhập như trước đây mà còn tính đến mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin.
Đồng thời, hộ nghèo ở nông thôn và thành thị thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; hộ cận nghèo ở thành thị và nông thôn thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…Có thể nói, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều nêu trên đó không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội giúp hộ nghèo tiếp cận đầy đủ hơn với các loại dịch vụ xã hội cơ bản. Do vậy, công tác giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều đòi hỏi cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội chung tay vào cuộc.

Đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã Phước Trung (Bác Ái) được vay vốn tín dụng ưu đãi chăn nuôi gia súc
tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Ảnh: Sơn Ngọc

Đối với tỉnh ta, việc áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều đã làm cho số lượng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, riêng hộ nghèo đã tăng lên ở mức trên 14,9%. Với quyết tâm kéo giảm hộ nghèo bình quân từ 1,8 đến 2%/năm theo tinh thần Nghị quyết Tỉnh ủy, trong năm 2016- năm đầu tiên thực hiện chuẩn nghèo mới- được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia và đạt kết quả tích cực. Các dự án, chương trình, chính sách về giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; người nghèo ngày càng được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống của đại bộ phận người dân được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 20.258 hộ nghèo, chiếm 12,54% so với tổng số hộ dân cư; số hộ cận nghèo là 16.801, chiếm 10,42%; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số 11.130 hộ, chiếm 54,94% so với hộ nghèo toàn tỉnh; hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số 5.079 hộ, chiếm 30,23% so với hộ cận nghèo. Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Bác Ái: 52,13% và thấp nhất là Tp. Phan Rang – Tháp Chàm với 3,38%. Như vậy, so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,39%, trong khi đó tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 1,58%. Cũng theo đánh giá về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, vấn đề nổi lên đó là hộ nghèo thoát nghèo chưa bền vững, đa số hộ thoát nghèo đều rơi vào hộ cận nghèo. Tốc độ giảm nghèo giữa các vùng, miền không đồng đều, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm còn chưa đáp ứng so với yêu cầu. Một số địa phương còn thụ động trong thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn; một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; vẫn còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận nhân dân…

Để tạo sự chuyển biến mới trong công tác giảm nghèo bền vững, phấn đấu năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 1-1,5% theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6-12-2016 của Tỉnh ủy, trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững trong toàn Đảng và các tầng lớp nhân dân. Đề cao vai trò, trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành trong việc tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai có hiệu quả những cơ chế, chính sách của địa phương về phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn; chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, trợ giúp pháp lý; vận động, khơi dậy tinh thần chủ động và sáng tạo, tạo mọi điều kiện để hộ nghèo khắc phục khó khăn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia xuất khẩu lao động để thoát nghèo…

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững không thể ngày một ngày hai. Vấn đề cơ bản là cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và quyết tâm thoát nghèo của chính các hộ nghèo. Hy vọng trong năm tới tỉnh ta tiếp tục đạt những kết quả mới.

Tin mới