Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 51
  • Trong tuần: 454
  • Tất cả: 137333
Phương pháp chọn đáp án nhanh và chính xác môn Hóa học
Giảng viên chính, Tiến sĩ Dương Quang Huấn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 - hướng dẫn phương pháp để chọn đáp án vừa chính xác, vừa nhanh đề thi trắc nghiệm môn Hoá học gồm các loại câu hỏi và bài tập tính toán.

Cách chọn đáp án trong bài thi trắc nghiệm Hoá học

1. Với kiểu câu hỏi thuần túy về lý thuyết mà cả câu dẫn và đáp án đều là một đoạn văn (hoặc câu văn) thì cần đọc cả 4 đáp án để chọn đáp án phù hợp với câu dẫn.

Trong trường hợp này, “từ khoá” của câu dẫn là quan trọng nhất; nó sẽ quyết định tới việc lựa chọn đáp án nào.

Ví dụ: Có 4 đáp án

            A. liên kết O-H trong phân tử ancol bị phân cực.

            B. giữa ancol với H2O tạo được liên kết hidro.

            C. giữa các phân tử ancol tạo được liên kết hidro.

            D. trong phân tử C2H5OH chứa nhóm -CH2OH.

Nếu để độc lập thì cả 4 đáp án trên đều đúng, nhưng khi đặt dưới một câu dẫn cụ thể thì chỉ có một đáp án phù hợp. Vì vậy, với 4 đáp án  trên thì có thể ra được 4 câu khác nhau, mỗi câu sẽ lựa chọn một đáp án.

Câu 1: Ancol etylic tác dụng được với kim loại kiềm là do (chọn đáp án A).

Câu 2: Ancol etylic tan vô hạn trong nước là do (chọn đáp án B).

Câu 3: Ancol etylic có nhiệt độ sôi cao hơn dimetyl ete là do (chọn đáp án C).

Câu 4: Ancol etylic có thể tạo thành andehit axetic là do (chọn đáp án D).

Với kiểu câu hỏi “Phát biểu nào sau đây là đúng?” hoặc “Phát biểu nào sau đây không đúng?” thì có thể 4 đáp án đề cập đến 4 vấn đề khác nhau.

Trong trường hợp này, khi đọc đáp án các em phải chú ý tới “từ khoá” của đáp án để lựa chọn, cần chú ý tới các từ trong đáp án như “luôn luôn”, “tất cả … đều…”, “chỉ”, “phải có”,… vì những đáp án này thường là sai do có những trường hợp ngoại lệ.

Ví dụ 1: “Tất cả các halogen đều có số oxi hoá là -1, 0, +1, +3, +5, +7” là sai vì  flo chỉ có số oxi hoá là -1 và 0.

Ví dụ 2: “Tất cả các axit cacboxylic đều không tham gia phản ứng tráng bạc” là sai vì HCOOH có tham gia.

Ví dụ 3: “Trong phân tử hợp chất hữu cơ phải có cacbon và hidro” là sai vì có những chất không chứa hidro như CCl4, NaOOC-COONa.

Ví dụ 4: “Ancol no đơn chức mạch hở chỉ có tính khử” là sai vì nó có cả tính oxi hoá (khi tác dụng với kim loại kiềm).

2. Với kiểu câu hỏi ghi ký hiệu của các chất (hoặc các thí nghiệm, hoặc các phát biểu,...) dưới dạng (1), (2), (3),... (hoặc (a), (b), (c),...) mà đáp án lặp lại các ký hiệu đó thì cần xác định chính xác một ký hiệu đúng (hoặc không đúng) để loại bỏ một hoặc hai đáp án không đúng; sau đó xác định đến chất có kí hiệu tiếp theo. Khi đó, không cần đọc hết các ký hiệu ở câu dẫn.

Ví dụ (Trích đề thi Cao đẳng -2012): Cho các phát biểu:

(1) Tất cả các anđehit đều có cả tính oxi hoá và tính khử;

(2) Tất cả các axit cacboxylic đều không tham gia phản ứng tráng bạc;

(3) Phản ứng thủy phân este trong môi trường axit là phản ứng thuận nghịch;

(4) Tất cả các ancol no, đa chức đều hòa tan được Cu(OH)2.

Phát biểu đúng là:

A. (2) và (4).             B. (1) và (3).              C. (3) và (4). D. (1) và (2).

Phát biểu (1) chắc chắn đúng nên loại được 2 đáp án (A và C). Phát biểu (2) là sai vì HCOOH có tham gia. Vì vậy, chọn luôn được đáp án B mà không cần đọc tới phát biểu (3) và (4).

 3. Với kiểu câu hỏi ghi ký hiệu của các chất (hoặc các thí nghiệm, hoặc các phát biểu...) dưới dạng (1), (2), (3),... (hoặc (a), (b), (c),...) mà đáp án hỏi số lượng thì phải xét tới tất cả các ký hiệu vì chỉ cần thừa hoặc thiếu một ký hiệu sẽ thành đáp án sai.

Ví dụ (Trích đề thi khối A-2012): Thực hiện các thí nghiệm sau (ở điều kiện thường):

(a) Cho đồng kim loại vào dung dịch sắt (III) clorua.

(b) Sục khí hiđro sunfua vào dung dịch đồng (II) sunfat.

(c) Cho dung dịch bạc nitrat vào dung dịch sắt (III) clorua.

(d) Cho bột lưu huỳnh vào thủy ngân.

Số thí nghiệm xảy ra phản ứng là

A. 3.                            B. 1.                                        C. 4.                            D. 2.

4. Với đáp án là công thức hoặc tên gọi của chất chưa biết thì tùy theo cách cho của câu dẫn và đáp án, các em có thể lựa chọn một trong ba cách sau:

Cách 1: Xử lý xuôi từ câu dẫn, dùng khi 4 đáp án có cùng công thức tổng quát hoặc hoá trị của kim loại trong 4 đáp án như nhau.

Bước 1: Đặt công thức tổng quát.

Bước 2: Đặt ẩn số mol. Có thể lấy số mol bằng 1 nếu không có số liệu cụ thể về số mol.

Bước 3: Xử lý các số liệu, các thí nghiệm để lập hệ phương trình.

Bước 4: Giải hoặc biện luận hệ phương trình, rồi dùng kết quả suy ra đáp án.

Ví dụ (Trích đề thi khối B-2007): Trong một bình kín chứa hơi chất hữu cơ X (có dạng CnH2nO2) mạch hở và O2 (số mol O2 gấp đôi số mol cần cho phản ứng cháy) ở 139,9oC, áp suất trong bình là 0,8 atm. Đốt cháy hoàn toàn X, sau đó đưa về nhiệt độ ban đầu, áp suất trong bình lúc này là 0,95 atm. Công thức phân tử của X là

            A. C4H8O2.                 B. C3H6O2.                 C. CH2O2.                   D. C2H4O2.

Hướng dẫn: Vì không có số liệu cụ thể về số mol nên lấy nX = 1 mol.

Viết phương trình phản ứng cháy;

Tính số mol khí ban đầu (nX + nO2), số mol khí sau thí nghiệm (nCO2 + nH2O + nO2 dư). Sau đó lập phương trình tỉ lệ về số mol khí bằng tỉ lệ về áp suất (vì cùng thể tích, nhiệt độ), rồi giải được n = 3 → Chọn B.

Cách 2: Kết hợp giữa câu dẫn với đáp án nhưng xuất phát từ đáp án trước, dùng khi có 2 hoặc 3 đáp án có cùng công thức tổng quát, hoặc có ít nhất 1 điểm chung (về số nguyên tử, số nhóm chức, hóa trị kim loại…).

Bước 1: Chọn 2 hoặc 3 đáp án có điểm chung như trên để đặt thành công thức tổng quát.

Bước 2, 3, 4: Tiến hành như cách 1.

Với cách này, thì tốt nhất chọn được 3 đáp án để đặt thành công thức tổng quát vì nếu được thì sẽ là 1 trong 3 đáp án đó, nếu không được sẽ là đáp án còn lại.

Nếu chỉ chọn được 2 đáp án để đặt thành công thức tổng quát mà kết quả không phù hợp thì có thể thay trực tiếp công thức của 1 trong 2 đáp án còn lại vào câu dẫn để thử.

Ví dụ (Trích đề thi khối A-2010): Đốt cháy hoàn toàn một lượng hiđrocacbon X. Hấp thụ toàn bộ sản phẩm cháy vào dung dịch Ba(OH)2 (dư) tạo ra 29,55 gam kết tủa, dung dịch sau phản ứng có khối lượng giảm 19,35 gam so với dung dịch Ba(OH)2 ban đầu. Công thức phân tử của X là

A. C3H8.                     B. C2H6.                                  C. C3H4.                      D. C3H6.

Giải: Chọn 3 đáp án A, C, D để đặt thành công thức tổng quát C3Hm với số mol là x.

Dùng định luật bảo toàn nguyên tố (C) → nBaCO3 = nCO2 = 3x = 0,15 → x = 0,05.

Dùng đinh luật bảo toàn khối lượng: mdung dịch giảm = mkết tủa – (mCO2 + mH2O), tính được nH2O = 0,2.

Dùng định luật bảo toàn nguyên tố (H) → mx = 2.0,2 → m = 8 → Chọn A.

Cách 3: Kết hợp giữa câu dẫn với đáp án nhưng xuất phát từ câu dẫn trước, dùng cho mọi trường hợp (các đáp án có cùng hoặc không cùng công thức tổng quát).

Bước 1: Xử lý 1 hoặc 1 số dữ kiện của câu dẫn để loại bỏ 1 hoặc 2 đáp án sai.

Bước 2: Trong số các đáp án còn lại, tiến hành xử lý các dữ kiện còn lại để tìm đáp án đúng.

Nếu bước 1 loại được 2 đáp án sai thì ở bước 2 có thể thay trực tiếp công thức của 1 trong 2 đáp án còn lại vào câu dẫn để thử.

Ví dụ (Trích đề thi khối A-2009): Cho 3,024 gam một kim loại M tan hết trong dung dịch HNO3 loãng, thu được 940,8 ml khí NxOy (sản phẩm khử duy nhất, ở đktc) có tỉ khối so với H2 là 22. Khí NxOy và kim loại M là

A. N2O và Fe.            B. N2O và Al.                        C. NO và Mg.            D. NO2và Al.

Giải: Mkhí = 22.2 = 44 → còn đáp án A hoặc B. Khi đó, kim loại tạo muối hoá trị (III). Sau đó, dùng định luật bảo toàn electron: 3nM = 8nkhí và các số liệu → M = 27 → Chọn A.

5. Với kiểu câu hỏi tính toán định lượng mà đáp án là số thì cần làm xuôi từ câu dẫn đến số liệu cuối cùng mới chọn được đáp án đúng. Trong trường hợp này, có thể đọc vào câu hỏi trước để tìm công thức tính phù hợp cho câu hỏi.

Trong công thức đó có (x) đại lượng thì bài toán đã cho (x-2) đại lượng, cần tính 1 đại lượng chưa biết khác mới tìm được đại lượng của câu hỏi.

Lưu ý chung khi làm bài tập tính toán: Cần sử dụng tối đa 4 định luật bảo toàn (nguyên tố, khối lượng, điện tích và electron), khi đó sẽ hạn chế việc viết phương trình phản ứng và các quá trình cho nhận electron (trong phản ứng oxi hóa - khử).

Những trường hợp nên viết phương trình phản ứng là cho số mol ban đầu của tất cả các chất, liên quan đến lượng O2 trong phản ứng đốt cháy hợp chất (vô cơ hoặc hữu cơ).

GVC.TS. Dương Quang Huấn

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image